Tuy mới bước vào mùa mưa, nhưng nhiều cây xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bị bật gốc, ngã, đỗ… gây thiệt hại tài sản, đe dọa tính mạng của người dân. Nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Cụ thể, cơn mưa kèm theo gió lớn ngày 7-6, nhiều cây xanh trên các tuyến đường Cộng Hòa,Trường Chinh, Lê Lợi, Tôn Thất Thuyết thuộc quận Tân Bình, Tân Phú, quận 1, 4 bất ngờ bị tét nhánh đổ ra đường khiến giao thông ùn ứ nghiêm trọng và ba người đi đường bị thương. Tương tự, chiều cùng ngày, người đàn ông (khoảng 35 tuổi) điều khiển ô-tô bốn chỗ hiệu Hyundai chạy trên đường Trường Sa, hướng từ quận Tân Bình đi Bình Thạnh. Khi đến trước số nhà 574 đường Trường Sa, quận Phú Nhuận thì một cây xanh bất ngờ bật gốc, đè ngang thân ô-tô. Vụ việc khiến chiếc xe hư hỏng, lái xe may mắn thoát chết, nhiều người đi xe máy một phen hốt hoảng, giao thông qua khu vực cực kỳ khó khăn. Trước đó, chiều 26-5, mưa kèm gió mạnh đã quật ngã một cây xà cừ cổ thụ trên đường số 5, phường 17, quận Gò Vấp khiến một ô-tô bị hư hỏng nặng. Nhiều ngày tiếp đó hàng loạt cây xanh, cổ thụ khác cũng bị gió mạnh quật ngã, đổ đè lên ô-tô, xe gắn máy, nhà dân. Đặc biệt, cơn mưa kèm theo gió lớn xảy ra vào ngày 19-5, khiến 50 cây xanh trên địa bàn thành phố bị gãy cành, nhánh, 171 cây nghiêng, 19 cây bị ngã, đỗ… rất may không có thiệt hại về người.Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng gần 200.000 cây xanh, gồm cây xanh đường phố, cây xanh công viên thuộc sự quản lý của Sở GTVT và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh. Đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng cây xanh ngã, đổ, rơi gãy nhánh, Sở GTVT cho biết: Hiện, thành phố đang bước vào mùa mưa, kéo theo gió giật, lốc cục bộ. Đồng thời, tác động của quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ hạn chế sự phát triển của cây dẫn đến ngã, đổ. Ngoài ra, nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản do sự cố cây xanh ngã, đổ gây ra trong mùa mưa bão 2018, Sở GTVT thành phố đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, tránh, ứng phó khi có bão, mưa lớn kèm lốc xoáy đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Các đơn vị lập kế hoạch tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, nghiêng nguy hiểm, cây nhớm gốc… lấy nhành khô, cắt mé gọn những cây có bộ tán lá lớn. Trong đó, chú trọng đặc biệt những cây có hệ rễ bị xâm hại do việc thi công các công trình, tỉa cành những cây cao tại những tuyến đường tập trung nhiều phương tiện tham gia giao thông, khu vực thường tập trung đông người. Chủ động phối hợp các công ty Điện lực khu vực để chủ động cắt tỉa cây xanh dưới dường dây điện nhằm bảo đảm an toàn điện, an toàn cây xanh và mỹ quan đô thị. Tổ chức lực lượng, phương tiện và chủ động phối hợp với địa phương, các lực lượng khác để ứng phó, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm xử lý sự cố cây xanh trong mùa mưa bão. Riêng Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trong Thảo Cầm Viên để lập kế hoạch đốn hạ những cây có khả năng gây nguy hiểm. Trong đó, đặc biệt chú trọng những cây gần chuồng thú dữ, khu vực thường tập trung đông du khách, có những biện pháp nhằm cảnh báo kịp thời và hướng dẫn du khách tìm nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra mưa, gió giật mạnh.Trả lời câu hỏi nếu cây xanh ngã, đổ không may gây thiệt hại về người, tài sản của người dân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ông Võ Văn Điệp, Trưởng phòng Quản lý Cây xanh thuộc Sở GTVT cho biết: “Trước hết, chúng ta xác định tai nạn do cây xanh ngã, đổ gây ra là tai nạn ngoài sự mong muốn của tất cả mọi người. Còn về trách nhiệm, nếu giả sử cây xanh mà có bị nghiêng hoặc sam vọc mà không phát hiện kịp thời dẫn đến ngã, đổ, gây tai nạn thì việc đó thuộc về Sở GTVT. Còn cây xanh ngã, đổ do gió, bão thì đó là tai nạn do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế nếu có thiệt hại về người và tài sản của người dân thì Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố sẽ giải quyết tất cả những hậu quả do cây xanh ngã, đổ như: đưa người đến bệnh viện, chăm sóc và chịu các chi phí của bệnh viện (đơn vị ký hợp đồng với Sở GTVT về chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn thành phố). Về việc đền bù cụ thể thì hiện nay chưa có quy định nào quy định chi phí này được lấy từ đâu. Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT đã kiến nghị UBND thành phố xây dựng quỹ để hỗ trợ các nạn nhân do cây xanh ngã, đổ nhưng chưa được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng. Do đó, hiện nay vẫn áp dụng Quyết định 29 của UBND thành phố về thăm hỏi các nạn nhân do thiên tai gây nên, chủ yếu là động viên.Theo Sở GTVT, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cây xanh ngã, đổ trong mùa mưa năm nay, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân, Sở đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tăng cường việc kiểm tra, thực hiện tỉa cành, mé nhánh chống lại các cây bị nghiêng, hoặc đốn hạ các cây có nguy cơ ngã, đổ. Công tác ứng cứu, thành lập các nhóm “tác chiến”, kế hoạch luôn túc trực, chủ động trong tư thế sẵn sàng. Khi có cây xanh nào ngã, đổ thì nhóm này sẽ ngay lập tức giải quyết ảnh hưởng liên quan. Đối với trường hợp có tai nạn, thiệt hại về người thì sẽ ứng cứu kịp thời nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho người dân. Trong trường hợp khi xảy ra sự cố cây xanh ngã, đổ mà không có các lực lượng chức năng tại chỗ, người dân có thể gọi cho đường dây nóng 1022 của thành phố. Đối với lực lượng phòng, chống thiên tai của Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc thực hiện qua hệ thống group, zalo, viber để có thể giải quyết nhanh sự cố nhằm tránh thấp nhất mức thiệt hại do cây xanh gây ra.
Nguyễn Anh/Nhandan